Nhân đạo Ngũ_Chi_Đại_Đạo

Nhân đạo là cấp đầu tiên đó là đạo làm người, đạo ở đời, nên nó cũng được gọi là Thế đạo (Thế là đời). Đó là những nguyên tắc và bổn phận mà con người phải tuân theo trong đời sống đối với gia đình và xã hội. Nhờ Nhân đạo mà con người mới xứng đáng phẩm người, mới có giá trị là loài thượng đẳng chúng sinh. Theo nhân sinh quan của đạo Cao Đài, con người là Tiểu linh quang, Trời (Thượng đế) là Đại linh quang; nên con người là một phần tử nhỏ của Thượng đế. Thượng đế cho con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa, học hỏi mãi mãi. Cuối cùng Thành đạo để hợp nhất với Thượng đế.

Người tín đồ Cao Đài đang tu hành ở bậc phẩm này sẽ tu hành theo phương thức đó là Tùng khổ. Tùng khổ là tùng theo các cảnh khổ não của nhân sinh để an ủi và giúp đỡ nhân sinh. Tương ứng với nó là đường lối Tùng khổ của Hiền là nương theo các cảnh khổ não của nhân sinh, đồng cam cộng khổ với nhân sinh để dìu dắt nhân sinh vào đường đạo đức.

Trong năm cấp tiến hóa đó, Nhân đạo là căn bản. Không hoàn thành Nhân đạo thì không mong chi bước lên các cấp tiến hóa cao hơn.

Phẩm Nhân cần có: nhân ái, nhân nghĩa, nhân đạo, nhân từ, nhân nhượng, nhân văn, nhân hậu. Đức Khổng Tử là một vị ở cõi Thánh nhưng theo lệnh của Thượng đế mà giáng thế mở Nho giáo để nhằm dạy dỗ con người có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Do đó Đạo Cao Đài thờ Đức Khổng Tử tượng trưng cho Nhân đạo trong ngũ chi đại đạo.